Skip to main content
Freeship nội thành hải phòng đối với đơn hàng trên 300.000đ
Mr.Thành: 090 606 5544 Ms.Thanh: 093 696 8096

Cách phát hiện những dấu hiệu trục trặc trong quan hệ yêu đương để giải quyết trước khi mọi việc trở nên tồi tệ?

| Nguyen Minh Thanh

Tôi đã kết hôn lần hai và cảm thấy lo lắng rằng một ngày nào đó mối quan hệ này sẽ vỡ vụn. Tôi biết nỗi sợ này bắt nguồn từ cách cuộc hôn nhân đầu tiên đổ vỡ. Tôi vẫn nghĩ rẵng mọi việc sẽ ổn cho đến khi chồng tôi nói anh ấy rất không hạnh phúc và muốn chia tay

Cách phát hiện những dấu hiệu trục trặc trong quan hệ yêu đương để giải quyết trước khi mọi việc trở nên tồi tệ?

Hỏi:

Tôi đã kết hôn lần hai và cảm thấy lo lắng rằng một ngày nào đó mối quan hệ này sẽ vỡ vụn. Tôi biết nỗi sợ này bắt nguồn từ cách cuộc hôn nhân đầu tiên đổ vỡ. Tôi vẫn nghĩ rẵng mọi việc sẽ ổn cho đến khi chồng tôi nói anh ấy rất không hạnh phúc và muốn chia tay. Tôi choáng váng trước những lời nói ấy vì chưa bao giờ tôi có ý nghĩ rằng quan hệ của chúng tôi đang trục trặc. Tôi không muốn điều này xảy ra lần nữa. Dù tôi ghét phải đối diện với thực tế gai góc nhưng tôi cũng không muốn sống trong thế giới mơ mộng này thêm lần nữa. Có cách nào biết được liệu đang có điều gì đó không ổn trước khi mọi việc trở nên tồi tệ.

—Bạn có thể đọc thêm bài viết: Liệu có cái gọi là tình yêu siêu tốc không? Nếu một người gặp vấn đề này thường xuyên, điều đó có nghĩa là gì?

Trả lời:

Chị có lý –  các mối quan hệ không đơn giản sụp đổ chỉ qua một đêm. Có những dấu hiệu cảnh báo để chúng ta biết được những vấn đề đó từ trước. Chị càng nhận ra sớm thì có cơ hội giải quyết càng cao và giúp cho cuộc hôn nhân vững bền. Có một cách hữu hiệu để phát hiện những mối nguy hiểm này gọi là phương pháp “Bốn chữ R”.

Phương pháp này hàm ý bốn giai đoạn suy thoái của sự gần gũi thân mật, bốn giai đoạn dâng trào căng thẳng giữa anh chị. Bốn chữ R đó là  Resistance (sự mâu thuẫn), Resentment (Sự tức giận), Rejection (sự chối bỏ) và Repression (Sự đè nén).

Chữ “R” đầu tiên là sự mâu thuẫn. Đây là giai đoạn phát sinh mâu thuẫn đầu tiên. Việc giai đoạn này xuất hiện và thâm nhập vào mối quan hệ thân mật là hết sức tự nhiên. Sự mâu thuẫn là những việc nhỏ nhặt khiến chị không vui. Ví dụ như khi chồng chị vứt khăn tắm bừa bộn trên sàn nhà, càm ràm rằng chị “tám” điện thoại quá lâu, nói điều gì đó khiến chị tổn thương tình cảm, v..v…Thật ra, đó không phải là những vấn đề lớn làm hỏng cuộc sống của hai người, nhưng điều nguy hiểm là chúng ta phớt lờ, giả vờ như không có chuyện gì xảy ra cả. Chị tự nhủ rằng: “ Đừng quá buồn bực vì những việc chẳng đáng gì”, hay “Cũng tại mình nhạy cảm quá!”, hay “Nào, đừng có chuyện bé xé ra to như thế”. Nhưng khi chị không giải quyết những cảm giác mâu thuẫn nhỏ nhặt này bằng cách nói về chúng, tức là chị đang dồn những cảm xúc này xuống. Mâu thuân xuất hiện càng nhiều, chị lại càng cố đè nén chúng cho đến khi chúng chồng chất trong lòng và một ngày nào đó đột nhiên chị cảm thấy Tức. Đó là khi chị rơi vào R thứ hai (Resentment).

Sự tức giận diễn ra khi có quá nhiều mâu thuẫn chồng chất, chúng tạo ra cảm giác vô cùng khó chịu. Giờ đây, chị không những cảm thấy bực dọc mà còn rất giận dữ. Bây giờ, sự việc không chỉ là sự tự nhủ: “Tôi ước gì anh ấy đã không kể câu chuyện ngu ngốc đó tại buổi tiệc”, mà trở thành: “Tôi ghét câu chuyện đó. Nếu tôi nghe chuyện đó thêm một lần nữa, tôi sẽ hét lên đấy!”. Chị đã thấy sự khác biệt chưa? Chị biết mình ở trạng thái Tức giận (Resentment) khi chị bắt đầu cảm thấy bực dọc, giận dữ, đôi khi xa cách, nguội lạnh yêu thương. Trạng thái này không diễn ra 24 giờ/ngày hay liên tục từ ngày này sang ngày khác, nhưng nó xuất hiện càng lúc càng nhiều. ChỊ cũng thấy mình hay phê phán chồng hơn.

Một trong những dấu hiệu lớn nhất mà chị có thể nhận thấy trong giai đoạn này là cuộc sống tình dục bắt đầu thay đổi. Chị không thể bị hấp dẫn với một người mà càng ngày chị càng cảm thấy giận dữ khi tiếp xúc. Sự giận dữ giết chết cảm xúc đam mê. Chị sẽ thấy rằng mình trở nên khép kín một chút và ít quan tâm đến tình dục hơn. Nếu chị không xử lý những cảm xúc khó chịu đang chồng chất trong mối quan hệ vợ chồng, sự khó chịu này sẽ tiếp tục cộng thêm và biến thành giai đoạn 3, Sự chối bỏ (Rejection).

Sự chối bỏ tức là chia cách, như một bức tường dựng lên giữa hai vợ chồng, và về mặt cảm xúc anh chị không còn cảm thấy gắn kết nữa. Vợ chồng chị có thể đang sống chung nhưng hai con tim đã lỗi nhịp. Có quá nhiều mâu thuẫn , căng thẳng đang chồng chất khiến hai người thật khó gần gũi nhau. Vì vậy chị thu mình, rút ra xa khỏi chồng. Chị có thể làm việc này bằng cách cãi vã với chồng hay phê phán anh ấy thật nhiều, thấy mình bị hấp dẫn bởi những người khác, nghĩ tới việc chia tay, hay đơn giản là ly thân. Một số đôi vợ chồng trong giai đoạn ba này hầu như không gặp mặt nhau, nhưng vẫn phủ nhận rằng có điều gì đó không ổn trong mối quan hệ. Những người khác thì lây bi đát hơn, họ đe dọa chia tay nhau, làm nhau đau khổ, tổn thương bằng lời nói.

Dĩ nhiên trong giai đoạn thứ ba –Sự chối bỏ – Việc có một đời sống tính dục thỏa mãn là rất khó, vì giữa anh chị đã có quá nhiều căng thẳng. Chị có thể đơn giản thấy chồng kém hấp dẫn và tự nhủ rằng đó là vì lũ trẻ, hay vì chị quá bận rộn. Những sự thật là, sự hấp dẫn tình dục đã bị chôn vùi bên dưới tầng tầng lớp lớp những Mâu thuẫn và Tức giận.

Nhiều mối quan hệ không thể vượt qua giai đoạn này. Tuy nhiên, nếu anh chị không chia tay nhau, tiếp tục để cho tất cả những cảm xúc chối bỏ này chất đầy lên thì chị sẽ bước vào giai đoạn cuối cùng, đó là sự Đè nén (Repression). Sự đè nén là trạng thái tê liệt cảm xúc. Chị bước vào giai đoạn này khi chị đã quá mệt mỏi vì chống chịu với sự Mâu thuẫn, Sự tức giận và sự Chối bỏ đến mức chị mất hết cảm xúc. Cuộc sống của chị vẫn diễn ra, nhưng không có chút đam mê nào. Khi đè nén sự căng thẳng, chị cũng đè nén luôn niềm vui của mình.

Sự đè nền cảm xúc là yếu tố nguy hiểm nhất, bởi ở giai đoạn này, chị có thể tự lừa dối mình để tin rằng mọi thứ đều “ổn thỏa”. Tôi thường thấy nhiều cặp rõ ràng là đang có vấn đề nhưng vẫn khăng khăng phủ nhận. “Mọi thứ đều ổn cả mà, chúng tôi đã tìm cách giải quyết rồi”. Dĩ nhiên, rất ít khả năng họ có một cuộc sống tình dục đúng nghĩa. Một đôi vợ chồng ở giai đoạn 4 có thể tỏ ra hài lòng với quan hệ của mình, có thể họ không bao giờ cãi nhau, đối xử rất lịch sự với nhau. Người ngoài thậm chí có thể ghen tị với mối quan hệ của họ, luôn nghĩ rằng họ rất hạnh phúc cho đến một ngày biết tin họ chia tay hay li dị. Đó là vì hai người trong cuộc đè nén mọi cảm xúc khó chịu của mình và cuối cùng tự mình giết chết mối quan hệ của họ.

Vì vậy, chị nên theo dõi sát sao diễn tiến cảm xúc của mình qua “4 chữ R” này. Ngay khi chị thấy có chút căng thẳng dâng lên, chị hãy nói ngay cảm xúc đó với chồng, hoặc hay hơn hết là sử dụng Bản đồ cảm xúc

—Bạn có thể đọc thêm bài viết: Làm sao tôi vượt qua được nỗi sợ hãi xung đột và sống thành thật hơn với người yêu?

Việc giải quyết một mâu thuẫn nhỏ sẽ dễ hơn rất nhiều so với giải quyết mâu thuẫn lớn âm ỉ trong thời gian dài. Đừng chần chừ hay do dự! Đừng xem thường những vấn đề có vẻ “  nhỏ nhặt”. Còn nếu mối quan hệ của chị đã đến giai đoạn suy giảm nghiêm trọng, chị vẫn có thể tìm đường quay về với tình yêu nồng đượm ban đầu. Bằng cách nào? Bằng cách nhận diện tất cả những căng thẳng về cảm xúc, nói về nó và đang chữa lành những bực dọc đó để phá vỡ bức tường thành đang chắn giữa hai người