Danh mục
Đau khi quan hệ tình dục
Không giống các rối loạn chức năng tình dục liên quan đến ham muốn, hưng phấn hay khoái cảm, vấn đề đau khi giao hợp không thể kéo dài vì làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ vợ chồng. Các cơn đau đe doạ hạnh phúc chăn gối nhiều hơn khi xuất hiện ở phụ nữ, chị em lúc này cần đến ngay thày thuốc chuyên khoa để có được sự giúp đỡ.
Khi người phụ nữ cảm thấy đau trong khi quan hệ vợ chồng thì sự ham muốn sẽ giảm đi, thậm chí sẽ mất hết cả khoái cảm. Đôi khi, nguyên nhân của hiện tượng này rất đơn giản: vì họ không muốn quan hệ, vì họ quan hệ khi chưa được kích thích đầy đủ để cho cơ vùng bụng dưới giãn ra… Nhưng tóm lại, theo các nhà chuyên môn, đau khi giao hợp ở phụ nữ có thể thuộc về 1 trong 2 dạng sau:
Co thắt âm đạo (Vaginismus)
Là trạng thái co thắt mạnh và không chủ ý của các cơ gần âm hộ. Trạng thái này xảy ra khi đưa bất cứ một vật gì vào âm đạo, có thể là dương vật, ngón tay, que bông hoặc dụng cụ khám phụ khoa và làm cho lỗ ngoài của âm đạo co chặt lại. Người phụ nữ bị chứng bệnh này sẽ không thể giao hợp được hoặc rất đau khi cứ cố giao hợp.
Chẩn đoán chứng bệnh này có thể thực hiện được ngay trong lần khám phụ khoa. Khi đó, người phụ nữ co rúm lại và khép chặt chân khi thày thuốc khám. Cũng có phụ nữ chịu đựng tốt hơn khi khám, điều đó phụ thuộc vào người khám và ai có mặt trong lúc khám. Ví dụ, một phụ nữ bị co thắt âm đạo có thể chấp nhận một cuộc khám phụ khoa nếu chỉ có thày thuốc, nhưng khi người chồng có mặt, chị lại bị co thắt và không thể khám được.
Vì rất đau đớn mỗi khi dương vật đưa vào âm đạo nên người phụ nữ rơi vào trạng thái tâm lý khó chịu, bực bội; từ đó phát triển tâm lý trầm cảm và ám thị tiêu cực về bản thân. Kết quả, nhiều phụ nữ bị chứng bệnh này tìm cách tránh mọi hoạt động tình dục, nhưng càng tránh, chứng rối loạn càng trầm trọng. Lẽ dĩ nhiên, chứng bệnh này có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ vợ chồng. Nam giới có thể coi thái độ lẩn tránh như là sự thờ ơ của vợ hoặc nghi ngờ nam tính của mình. Nếu không điều trị, mối quan hệ vợ chồng có thể rạn nứt, kéo theo sự không hoà hợp và cuối cùng là tan vỡ.
Nguyên nhân của co thắt âm đạo
Trong số ít trường hợp, co thắt âm đạo có thể xảy ra do bệnh ở cơ quan sinh dục. Nếu phụ nữ bị viêm nhiễm vùng tiểu khung, màng trinh dày, cứng hoặc có bệnh do sinh đẻ gây ra thì việc giao hợp có thể gây đau và sự đau đớn này có thể gây chứng co thắt âm đạo. Khi tổn thương thực thể gây đau khi giao hợp đã được điều trị thì người phụ nữ có thể giao hợp bình thường trở lại.
Chứng co thắt đau âm đạo có thể do nhiều nguyên nhân tâm lý nghiêm trọng gây ra. Một số nhà nghiên cứu cho rằng chứng bệnh này có thể phát sinh do chị em lấy phải ông chồng bất lực và trở thành bực bội vì thất bại của chồng; những lần sau tự bảo vệ một cách vô thức để tránh bực bội bằng cách không để cho chồng đưa dương vật vào.
Một nguyên nhân quan trọng nữa của chứng co thắt âm đạo là sang chấn tâm lý. Bị cưỡng bức thô bạo có thể dẫn đến hậu quả là mỗi khi bị dương vật đưa vào, âm đạo lại co thắt lại. Cũng có thể do vết rách âm đạo để lại sẹo gây đau.
Những nguyên nhân khác liên quan đến niềm tin và những điều cấm kỵ của tôn giáo, do giao hợp đau mạn tính hoặc tình cảm không hoà hợp với bạn tình. Nói chung, chứng co thắt âm đạo là một đáp ứng có điều kiện phát sinh cảm giác đau mỗi khi có vật gì đưa vào âm đạo.
Xử trí đau do co thắt âm đạo
Vì chứng co thắt đau âm đạo là sự co thắt các cơ ở âm đạo nên một số thầy thuốc cho rằng phải chữa sự co thắt này. Họ tiêm thuốc gây tê tại chỗ vào khu vực âm đạo để giảm sự đau đớn mỗi khi giao hợp, một số cho bệnh nhân dùng Valium (thuốc an thần tạo sự yên tĩnh và chuẩn bị tốt hơn cho giao hợp).
Còn theo phương pháp của Masters và Johnson, thầy thuốc sẽ giao cho cặp bạn tình bộ nong Hegar. Với sự giúp đỡ của vợ, chồng sẽ đưa nong Hegar vào âm đạo vợ theo kích thước tăng dần. Khi chiếc nong to nhất đã đưa được vào trong âm đạo không gây đau đớn thì cần để trong âm đạo của vợ vài giờ vào ban đêm. Phần lớn sự co thắt có thể biến mất trong 3-5 ngày nếu cặp vợ chồng sử dụng số nong hàng ngày. Sau đó, có thể bắt đầu thử giao hợp. Cần nhớ, những khía cạnh tâm lý của chứng co thắt âm đạo cũng cần được quan tâm giải quyết.
Giao hợp đau (dyspareunia)
Là tình trạng giao hợp gây đau, dù chủ yếu ở vợ nhưng cũng ảnh hưởng đến chồng. Đau khi giao hợp ở vợ có thể là đau âm đạo, cổ tử cung, tử cung hay bàng quang. Còn ở chồng thì đau ở dương vật, ở tuyến tiền liệt hoặc túi tinh khi xuất tinh.
Đối với cả hai giới thì đau có thể xảy ra trước, trong và sau khi giao hợp.
Nguyên nhân
Đau khi giao hợp ở nữ có thể do những bệnh thực thể hoặc tâm lý, một trong những nguyên nhân thường gặp nhất là sự không bài tiết được dịch nhờn ở âm đạo. Tình trạng này chứng tỏ người nữ không hưng phấn tình dục được mà nguyên nhân có thể là thiếu sự kích thích có hiệu quả, bị ức chế hoặc có vấn đề về tình cảm và tâm lý với bạn tình nam.
Nhiễm khuẩn âm đạo do giang mai, ký sinh trùng, nấm cũng có thể gây đau khi giao hợp. Những vi khuẩn và ký sinh trùng này làm cho thành âm đạo bị viêm.
Một nguyên nhân thường gặp nữa của giao hợp đau là tình trạng mỏng đi của thành âm đạo, thường hay xảy ra nhất ở những phụ nữ đã ngoài 50 tuổi. Vì sự giảm sút hormone nữ, thành âm đạo có thể nứt nẻ, chảy máu và dễ dàng bị kích thích. Trong những trường hợp này, nên dùng kem bôi âm đạo để làm cho niêm mạc âm đạo có độ nhờn.
Đau gần lỗ ngoài của âm đạo có thể do một màng trinh chưa rách hoặc tổ chức đã thành sẹo của một vết rách cũ khi sinh con trước đây. Đôi khi âm vật trở nên ngứa ngáy vì những chất tích tụ dưới mũ của âm vật. Trong khi giao hợp, mũ của âm vật có thể bị lật ra và gây đau ở khu vực âm đạo.
Cũng có thể cảm thấy đau ở lớp cơ của âm đạo. Nếu người phụ nữ có giao hợp sau một thời gian dài kiêng thì có thể cảm thấy đau âm ỉ ngay ngày hôm sau. Do đó, các lần giao hợp sau cũng thấy đau.
Một số nữ cảm thấy đau phía sâu trong vùng tiểu khung lúc giao hợp. Đau như thế có thể do rách những dây chằng nâng đỡ tử cung. vết rách có thể do sinh đẻ hoặc do chấn thương khi bị cưỡng bức. Cũng có người chỉ bị đau trong một số tư thế giao hợp nhất định. Cảm thấy đau ở sâu trong vùng tiểu khung còn có thể do nhiễm khuẩn ở cổ tử cung, tử cung và vòi trứng. Cũng có thể do một bệnh gọi là lạc nội mạc tử cung, tức là tổ chức màng của tử cung phát triển ở nơi khác chứ không phải là tử cung, nên gây chèn ép giữa các cơ quan, gây đau khi giao hợp.
Xử trí giao hợp đau
Khi cảm thấy bị đau khi giao hợp, người nữ cần hỏi ý kiến thầy thuốc. Nhiều khi cảm giác đau đó là dấu hiệu ban đầu của một bệnh thực thể, cần theo dõi thường xuyên. Ví dụ, rất có thể bị nhiễm khuẩn âm đạo và chỉ cảm thấy đau khi giao hợp. Nếu không giao hợp, có lẽ người phụ nữ không bao giờ biết mình bị nhiễm khuẩn âm đạo.
Với những rối loạn chức năng tình dục bàn ở trên, các phương pháp điều trị nội khoa và ngoại khoa là những can thiệp hiệu quả nhất. Tuy nhiên, liệu pháp tâm lý cũng có những giá trị của nó, không nên bỏ qua khi chứng giao hợp đau có nguốn gốc là những vấn đề tình cảm và tâm lý như trạng thái lo hãi, khiếp sợ do một hoàn cảnh nào đó đã xảy ra trong cuộc đời người bệnh.